Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Các loại mì Udon của xứ sở hoa anh đào


Nhật Bản nổi tiếng với nền ẩm thực phong phú, nhiều món ăn ngon của nước này đã được cả thế giới biết đến. Đối với , Nhật Bản cũng có nhiều loại mì khác nhau, trong đó mì Udon khá được ưa chuộng.

Từ xưa, mì Udon đã được người Nhật chọn là món ăn nhanh. Trong nhiều thế kỉ qua, tình yêu của người dân xứ sở này dành cho mì Udon vẫn không thay đổi.

Mì Udon có nguồn gốc ngoại lai, được du nhập vào Nhật Bản vào thế kỉ thứ VIII. Kỹ thuật chế biến mì Udon xuất phát từ nước láng giềng Trung Quốc. Trong những chuyến đi xứ tới Trung Hoa đại lục, sứ giả của triều đình Nara đã mang kỹ thuật này về Nhật. Ban đầu, nó được phổ biến tại đảo Goto, tỉnh Naga-saki, miền Nam Nhật Bản. Hiện nay, tại đây vẫn còn lưu giữ loại mì Udon nguyên thủy với tên gọi Goto-Udon. Đặc trưng của loại mì này là sợi tròn và mảnh hơn so với mì Udon sợi dày và hình vuông thường thấy.

Đến thế kỉ XIV, mì Goto-Udon trở thành món ăn của giới tăng lữ Phật giáo Thiền tông. Tuy nhiên, nó chỉ gói gọn trong các thiền viện mà không được phổ biến rộng rãi ra dân chúng.

Một trong những lí do khiến mì Udon thời điểm đó ít được phổ biến rộng rãi xuất phát từ chiếc cối xay. Lúa mì là một loại ngũ cốc cứng do đó, người ta cần đến cối xay để xay nhuyễn chúng trước khi chế biến. Vào thời điểm này, cối xay là vật dụng quí hiếm, ít người sở hữu. Người ta chỉ dùng nó để xay lá trà thành mạt trà hay còn gọi là bột trà sử dụng trong Trà đạo. Lúc bấy giờ, Trà đạo là hoạt động văn hóa của tầng lớp tăng lữ, võ sĩ đạo và những người có địa vị cao trong xã hội. Do đó, thường dân không có nhu cầu dùng đến những chiếc cối xay.

Đến thế kỉ XVI, Nhật Bản bước vào thời kì Chiến quốc Sengoku, lãnh chúa mỗi địa phương thể hiện sự hùng cứ của họ bằng cách xây dựng những lâu đài bằng đá kiên cố. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, đội ngũ thợ thủ công chế tác đá phát triển mạnh mẽ. Họ không chỉ xây lâu đài, mà còn chế tạo nhiều vật dụng bằng đá, trong đó có cối xay.

Nông dân Nhật Bản trong thời kì này phải nộp tô thuế cho chính quyền bằng lúa. Cuộc sống của họ vì thế cũng trở nên khốn cùng. Khi đó, người nông dân bắt đầu chú ý đến cây lúa mì. Họ gieo lúa mì sau khi đã thu hoạch lúa xong. Ngoài yếu tố là loại ngũ cốc dùng để thay thế gạo, một lí do khác khiến người nông dân chọn lúa mì là nó phát triển tốt trong thời tiết lạnh giá, thời điểm mà cây lúa không thể chịu nổi. Khi lúa mì và cối xay trở nên phổ thông cũng là lúc mì Udon được dùng rộng rãi trong dân chúng.

Tại các đô thị, lực lượng thợ làm mì Udon gia tăng nhanh chóng. Món ăn này được xếp ngang hàng với cơm, một loại thực phẩm không thể thiếu trong cuộc sống của người Nhật. Cũng từ giai đoạn này, xuất hiện nhiều món mì Udon hương vị khác nhau.

Tỉnh Nagano nổi tiếng với món mì Oshi-bori Udon có lịch sử ra đời cách đây 400 năm. Đặc trưng của Oshi-bori Udon là nước súp làm từ củ cải trắng. Người ta mài củ cải trắng, sau đó dùng vải mỏng vắt nước, động tác này tiếng Nhật gọi là “shibori”, mì Oshi-bori Udon ra đời từ tên gọi đó. Để giảm vị hăng nồng của củ cải trắng, người ta cho vào chén nước củ cải một ít tương miso ngọt và cá ngừ khô bào mỏng Katsuo-bushi. Công đoạn chuẩn bị nước súp củ cải đã hoàn tất, khi thưởng thức oshi-bori Udon, người ta chỉ việc múc mì trong nồi nước nóng đặt ngay giữa bàn, nhúng vào chén nước súp và ăn một cách ngon lành.

Mì Oshi-bori Udon tỉnh Nagano

Hotou-Udon là một trong những món mì Udon đại diện cho tỉnh Yama-nashi. Món ăn này do vị lãnh chúa thời Chiến quốc Takeda Shingen phổ biến. Nguyên liệu để chế biến hotou-Udon gồm bí đỏ, cà-rốt và nhiều loại rau củ khác. Người ta hầm chúng trong nồi, khi rau củ gần chín, cho thêm mì Udon sống vào, để lửa nhỏ cho đến khi nồi hotou-Udon sôi lách tách. Thực khách thưởng thức hotou-Udon không thể nào quên hương vị đậm đà của rau củ cùng vị ngọt của sợi mi.

Mì Hotou-Udon - tỉnh Yama-nashi

Tỉnh Kagawa được xem là Vương quốc mì Udon của Nhật Bản. Với dân số chỉ khoảng 1 triệu người, Kagawa là một tỉnh nhỏ ở Nhật nhưng có đến 900 cửa hàng kinh doanh mì Udon. Kagawa có những hình thức rất độc đáo để giới thiệu sản vật nổi tiếng của địa phương mình. Tại sân bay Takamatsu, du khách trong nước và quốc tế có cơ hội thưởng thức hương vị của Udon từ chiếc vòi nước súp Udon. Mọi người được phục vụ miễn phí món nước súp thơm ngon này.

Ở Kagawa, có một loại taxi rất đặc biệt gọi là “Taxi mì Udon” bởi vì trên nóc xe được trang trí tô mì Udon mẫu khá hấp dẫn. Để trở thành tài xế lái loại taxi này, các ứng viên phải vượt qua cuộc thi sát hạch kiến thức liên quan đến mì Udon. Không những thế, họ còn được học lớp thực hành chế tạo mì. Ngoài vai trò chở khách, tài xế taxi còn kiêm luôn vai trò hướng dẫn viên giới thiệu đặc sản mì Udon của địa phương. Nếu khách có nhu cầu, tài xế sẽ chở họ đến những cửa hàng kinh doanh mì trong tỉnh. Sanuki-Udon là mì Udon nổi tiếng nhất của Kagawa, đặc trưng của loại mì này là mùi của nó rất thơm.

Mì Sanuki-Udon tỉnh Kagawa

Tại tỉnh Tochigi, mì Udon là một trong những món ăn truyền thống vào dịp năm mới của người dân địa phương. Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt là hình dáng mì Udon ở đây khác với sợi mì thông thường mà trông giống như chiếc tai nghe. Người Nhật gọi nó là Mimi-Udon tức “Mì Udon tai”, họ cho rằng, hình dáng của loại mì này tượng trưng cho chiếc tai quỷ. Nếu ai ăn mimi-Udon trong dịp năm mới, quỷ sẽ không nghe thấy điều họ nói vì thế họ sẽ có cả năm an lành thoát khỏi bệnh tật, tai ương. Đối với người dân Tochigi, bữa cơm gia đình đầu năm không thể thiếu mimi-Udon. Mì Udon không chỉ là món ăn được ưa chuộng của người Nhật mà nó còn mang ý nghĩa tâm linh quan trọng.

>> Mì udon khổng lồ chỉ có ở Tawaraya tại Kyoto
>> 5 loại mì phổ biến ở Nhật

Mì xào giòn đậm đà hương vị miền Nam


Không quá đơn điệu như mì gói xào bò - món mà teen nào cũng có thể ra tay thực hành, mì xào giòn lại là một cảm nhận ẩm thực rất khác.

>> Mì không chiên Nissin xào bò cho bữa sáng
>> Mì không chiên Nissin: mì xào cá lóc sốt dầu hào

Những cọng mì xào giòn nhìn như bánh ngọt được chiên giòn để sẵn trong túi rất to. Mỗi khi có khách, đầu bếp sẽ lấy ra vừa đủ một phần rồi nhanh tay cột chặt túi lại để giữ độ giòn của . Khác với loại “xào giòn” của miền Bắc, mì giòn của miền Nam không tẩm bột và cũng không được chiên từng tảng khi có khách. Mì giòn miền Nam là những cọng mì tự nhiên rồi được chiên cho phồng lên, to tròn và thành từng đoạn (vì độ giòn của mì rất cao nên việc bỏ vào túi khiến nó rất dễ gãy đôi hoặc gãy vụn), vì thế các sợi mì giòn chẳng bao giờ có kích thước bằng nhau.


Sốt để xào mì là một hỗn hợp sốt đặc biệt từ những gia vị đậm đà và cho thêm một ít bột năng để tạo độ sệt (như súp cua í). Thành phần nhân của món cũng như một bát hủ tiếu nam vang với đầy đủ chất đạm từ: tôm, thịt, gan, mực, hành tây, cải ngọt, rau mùi…

Giai đoạn để làm ra một đĩa mì xào giòn thơm phức – nóng hổi – siêu ngon khá là dễ vì mì đã có sẵn, không cần chế biến thêm. Chỉ cần cho mì vào đĩa, một đầu bếp sẽ chế biến sốt bằng cách xào hỗn hợp tôm, mực, cá, thịt, rau củ với nhau, cho gia vị vừa đủ và làm sốt từ một ít bột là xong.

Ngoài những nguyên liệu phải thật tươi thì một đĩa mì ngon phải giữ được độ giòn của cọng mì sau khi được tưới lên một lớp sốt xào thập cẩm. Khi đấy, cọng mi vẫn giòn nhưng lại thấm gia vị từ sốt nên sẽ không quá khô và cứng như lúc ban đầu. Món này ăn với ít ớt cay và nước tương là “tuyệt hảo”.

Món có bán ở hầu như tất cả các quán ăn người Hoa, các quán vỉa hè và cả trong những nhà hàng sang trọng (một số nhà hàng còn quấn mì thành một ổ tròn như tổ chim rồi chiên giòn nguyên tảng nữa, nhìn hấp dẫn cực). Giá một phần thế này tầm khoảng 20 – 30K/đĩa, tùy nơi bạn thưởng thức.

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Cá linh chiên khoai lang sợi mùa nước nổi


Tháng 9, 10 âm lịch miền Tây đã vào sâu mùa nước nổi. Lũ về tràn khắp ruộng đồng. Cảnh đêm vùng đồng bằng mùa này thường sinh động hơn hẳn với những chiếc xuồng ba lá lấp lánh ánh đèn, ngư dân giăng lưới, thả câu...

Đặc biệt cá linh lúc này đã “già lứa”, con nào con nấy lưng xanh lơ, vảy nhuyễn màu bạc óng, vây và đuôi vàng rực. Cá lớn cỡ ngón cái, mập béo, ngọt… như phù sa.

Mẹo nấu ăn, cá linh được cư dân miền Tây chế biến nhiều món hấp dẫn như chiên giòn, kho mía, kho mắm, nấu canh chua bông điên điển… Món nào cũng đậm đà hương vị sông nước miệt đồng.

Còn ở chốn phồn hoa đô hội, cá linh nay được chế biến – ngoài những món ngon quen thuộc nêu trên – có phần cầu kỳ hơn. Mẹo nấu ăn, theo bếp trưởng Bảo Trân của khách sạn Palace, một trong những món chế biến cầu kỳ theo kiểu mới đó là cá linh không cần đánh vảy, lấy mật, chỉ cần ngâm qua nước muối cho sạch nhớt. Để làm món cá linh chiên giòn cần thêm khoai lang bí Vĩnh Long. Khoai lang bí có vị ngọt bùi, khi chiên dễ giòn, đánh bột với trứng rồi cho cá linh và khoai lang cắt sợi cỡ đầu đũa, dài bằng con cá vào trộn đều. Dùng muỗng múc từng phần cá linh và vài sợi khoai cho vào chảo chiên ngập dầu, thấy khoai chín vàng là được.

Cá linh chiên khoai lang sợi cuốn với lá cóc ăn hoài không ngán. 

Cá linh chiên khoai lang giòn cuốn với lá cóc non chấm nước mắm tỏi ớt. Cá mềm ngọt lịm lẫn chút nhân nhẫn đắng của ruột cá, khoai lang giòn thơm, lá cóc non chua chua mà nên chuyện cho khẩu vị. Cá linh chiên khoai lang ăn chơi, nhóc nhách hoài trong miệng vẫn chưa thấy ngán.

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

Thưởng thức mì Quảng cánh gà cuối tuần


Là món ăn quá quen thuộc với nhiều người nhưng khi sáng tạo, phá cách với cánh gà chiên... tô Quảng bắt mắt và lạ miệng hơn, hấp dẫn cả nhà.

Nguyên liệu:
Sợi mì Quảng: 500 gr
Thịt gà: 500 gr
Tôm đất: 200 gr
Thịt nạc, bánh tráng: 200 gr
Cánh gà, đường, tiêu, tỏi 4 cánh
Cà chua, rau thơm, nước mắm
Bắp chuối bào, muối, hành, ớt
Đậu phụng rang, hành phi

Cách làm:
Làm sạch cánh gà, ướp gà với nước mắm, đường, tiêu. Xào cánh gà vừa chín. Tôm đất cắt râu làm sạch, thịt heo nạc xắt miếng mỏng, ướp gia vị hành, tiêu, tỏi. Cà chua xắt nhỏ.

Gà miếng làm sạch, lọc riêng thịt và xương. Thịt gà nạc thái miếng vuông ướp gia vị. Xương gà đem hầm làm nước dùng. Xào thịt heo, gà, tôm với cà chua cho đều nhuyễn.

Cho mì vào tô, cho nhân gồm cánh gà, tôm, thịt heo và thịt gà vào. Chan nước dùng thật nóng vừa sấp mặt mì, rắc hành phi, đậu phụng lên trên, ăn kèm bánh tráng và rau.
Mì Quảng cánh gà sau khi hoàn tất

Khi ăn Mi Quảng thì nhất thiết không thể thiếu các loại rau như: bắp chuối, cải con, giá, rau quế, húng lủi, húng cay ... Đặc biệt là đối với người Quảng thì bắp chuối là một loại rau rất quan trọng. Bắp chuối hột được cho là loại ngon nhất vì có mùi thơm và độ giòn mà các loại bắp chuối khác thường không có.

Mì Quảng có thể chế biến với những nguyên liệu khác

Mì Quảng còn có thể được nấu bằng cá lóc, lươn, vịt, cua, bò, ... Đặc biệt nếu nấu mì Quảng với cá lóc, vịt, hoặc lươn thì bổ sung thêm nghệ. Bí quyết của người nấu mì Quảng chuyên nghiệp là có thể nấu mì Quảng bằng bất kỳ loại nguyên liệu mà người ăn vẫn thấy ngon và cảm nhận được đúng hương vị riêng biệt của mì Quảng.