Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Cơm gà phố cổ Hoi An

Ai đã một lần từng đến Hoi An, ngoài những món Cao Lầu, Mì Quảng vốn đã khá nổi tiếng thì chắc hẳn cũng sẽ không quên thưởng thức món cơm gà phố cổ Hoi An một lần. Món cơm gà Hoi An rất ngon, đ8ạc biệt là với sa tế ăn kèm...


Nhưng khi rời khỏi Hoi An cùng với hương vị cơm gà phố cổ còn lưu lại bạn muốn tự mình vào bếp để chế biến món này ngay tại chính ngôi nhà thân yêu của mình. Thì còn chừng chừ gì nữa hãy bắt tay vào thực hiện



Nguyên liệu:

• 1 con gà mái dầu.

• 500g gạo tẻ + 50g gạo nếp.

• 200g cải chua (lấy nhiều cọng).

• Cải ngọt hay cải cay.

• Gừng, tỏi, ớt, củ hành tây.

• Nước mắm, xì dầu, giấm, đường , bột nghệ .

Thực hiện:

• Gà làm sạch. Tim, gan, mề gà rửa kỹ, cắt hạt lựu nhỏ. Xào phần tim, gan, mề với hành, tỏi và nêm vừa ăn.

• Nếp và gạo vo sạch, để ráo.

• Gà cho vào luộc chín, khi luộc cho vào nước luộc gà một ít bột nghệ. Gà chín, vớt ra, để ráo, xé miếng hay chặt (tùy thích).

• Nước luộc gà dùng để nấu cơm. Cho gạo vào nồi, đổ nước luộc gà vừa đủ (cơm phải hơi săn hạt mới ngon). Nêm chút hạt nêm, dầu ăn cho cơm dẻo, thơm, đậm đà. Cơm chín, trộn phần tim, mề, gan vào cơm rồi dọn kèm dưa cải chua, xà lách, dưa leo, cà chua, hành tây ngâm giấm chua ngọt.

• Phần nước còn lại nấu canh cải ngọt hay cải cay đều ngon.

• Thịt gà chặt miếng hay xé. Có thể pha nước mắm chua ngọt, nước tương hay chấm với tương ớt của Hội An. Nếu ăn gia đình có thể dọn dĩa gà riêng, các loai rau riêng. Nếu dọn cơm phần thì lấy cơm, để trên thịt gà và các loai rau (dọn riêng, để cơm không bị ướt)

>> Sự khác biệt với Cơm gà Phan Rang

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Ăn bánh cóng Sóc Trăng tại Saigon Vietnam

Bánh cóng là món ngon nổi tiếng của Sóc Trăng rất được người Sài Gòn ưa chuộng. Khó có thể nói chính xác bánh cóng có mặt ở Saigon Vietnam từ khi nào, chỉ biết là rất lâu rồi. Thường người ta hay ăn chung với bánh cuốn nhưng đó chỉ là kiểu ăn kèm để cho món thêm đậm đà vì khi ấy miếng bánh cóng đã nguội, xếp gọn ghẽ trong tủ kính hoặc trong khay, mất hẳn độ nóng giòn thơm phức. Nên người sành ăn vẫn thích những hàng quán chỉ chuyên về bánh cóng, nơi mà chỉ cần đi ngang qua đã nghe mùi thơm lan tỏa cuốn hút từ chảo dầu sôi sùng sục, trong đó là những chiếc bánh cóng vàng ruộm hấp dẫn.


Cũng như bánh xèo, bánh cóng nhìn có vẻ nhiều dầu mỡ và tôm thịt nhưng lại là món ăn cân đối dinh dưỡng vì ăn kèm với rất nhiều loại rau, trong đó không thể thiếu được cải xanh. Thứ cải hăng nồng này lại hợp lạ lùng với bánh cóng, đi chung với nhau vừa kích thích khẩu vị vừa gia giảm độ cay nồng và béo bùi tạo nên một hương vị thật đặc biệt.

Không quy mô như những quán bánh xèo, những hàng bán bánh cóng thường khiêm tốn hơn, có khi chỉ là một góc nơi chợ hay quán nhỏ ven đường, đủ kê vài bộ bàn ghế lúp xúp. Nhưng nhỏ thì nhỏ mà khách đông vẫn cứ đông, sang có mà xuề xòa cũng có, ghé quán không cần chỗ ngồi rộng rãi thoáng mát mà cốt yếu là muốn thưởng thức bánh đổ tại chỗ, dọn ra bàn còn nóng hổi. Chủ quán ngồi ngay cạnh khách, luôn tay múc bột - chiên bánh - vớt ra, cứ thế làm không ngơi nghỉ. Trên cái chảo dầu sôi luôn có thêm một vỉ sắt để khi vớt bánh ra sẽ gác lên cho ráo dầu. Nếu khách thắc mắc vì sao gọi là bánh cóng thì sẽ nhận được câu trả lời đơn giản là bánh đổ trong chiếc cóng, có hình dạng như những ca nhôm nhỏ thường dùng để đá tủ lạnh nhưng có tay cầm và móc. Người bán sẽ tráng một lớp bột gạo pha loãng dưới đáy, phủ thêm một lớp đậu xanh, một lớp thịt, tôm và củ sắn, sau cùng lại đổ một lớp bột gạo lên. Nhúng bánh vào chảo ngập dầu thật sôi, trong thời gian chờ bánh kết lại thì treo tạm lên vỉ sắt và quay sang làm cái khác; sau đó lại canh thời gian để khảy nhẹ bánh ra khỏi cóng và chiên đến khi vàng đều.

Tuy chỉ là một món quà vặt nhưng toàn bộ quy trình làm bánh đều đòi hỏi phải tinh tế và khéo léo, từ khâu chọn gạo xay bột, hòa với đậu xanh và nước thế nào cho vừa đủ, pha nước chấm sao cho vừa ý khách. Bánh chiên phải có độ giòn xốp chứ không cứng, ăn vào phải đủ vị béo bùi của bột gạo, đậu xanh, tôm thịt nhưng không quá ngấy… Từng thứ nhỏ nhặt thôi nhưng nếu không chú ý thì sẽ dễ mất khách, vì khách đến với hàng bánh cóng vừa xuề xòa vừa khó tính. Dễ ở chỗ không kén nơi ngồi nhưng lại đòi hỏi cầu kỳ trong cách thưởng thức, bánh phải đủ ngon thì mới giữ chân khách dài lâu.

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Bún thang trên đất Hanoi Vietnam

Tuy không phổ biến như nhiều loại bún, miến, phở khác ở Hanoi Vietnam nhưng càng ngày bún thang càng trở thành món ăn sáng được nhiều người yêu thích. Với những người sành ăn, bún thang là một món hoà tấu của vị - sắc và hương.


Bún thang - Hanoi Vietnam

Ở đâu cũng thế, bún thang ngon quan trọng phải ở nước dùng. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến bún thang không được phổ biến như các món bún khác. Lời lãi thì cũng vậy mà công sức bỏ ra cho nồi nước dùng thật lắm công phu. Chữ thang ở đây là canh, nghĩa là bún chan từ một thứ nước canh đặc biệt bởi vì nồi nước dùng là linh hồn của món bún thang. Nó được ninh thật kỹ bằng xương gà, xương lợn và tôm he khô. Trong khi ninh phải trông chừng để vớt hết bọt cho nước thật trong. Thế mới giữ được chất đạm và vị ngọt tự nhiên cho nước dùng.

Một bát bún thang gồm bún rối trắng tinh với trứng tráng thật mỏng, thái chỉ tơ. Thịt gà có lườn trắng, đùi nâu, da vàng óng, xé nhỏ. Giò lụa thái chỉ, đặt ở một góc kèm theo một chút củ cải khô đã ngâm kỹ và tẩm nước mắm, dấm cho vừa ăn. Trên cùng là rau răm, rau mùi, hành hoa, hành củ. Và có lẽ không nên thiếu một chút xíu mắm tôm cho đậm đà món bún. Có thể nói không ngoa rằng mắm tôm chính là cái nét duyên thầm của món bún này. Có người ví vui rằng “bún thang không mắm tôm như ăn phở mà chẳng có nước dùng”. Chỉ tiếc cho những ai không chịu được mùi nồng gắt của món ăn đặc sản của dân tộc nên chưa cảm nhận được hết cái tinh tuý từ bát bún thang.

Thêm một lưu ý khi thưởng thức món bún này là cà cuống. Dầu cà cuống có hương vị cay rất đặc biệt, ai đã nếm thử qua và hợp khẩu vị rồi thì sẽ nhớ hoài. Chỉ cần 1,2 giọt cà cuống, bát bún thang trở nên ngây ngất, quyến rũ người ăn đến từng giọt cuối cùng.

Một điểm đặc biệt mà bún thang khác hẳn với các loại bún, phở khác là không nên dùng chung với rau sống. Ăn bún thang thì phải thật nóng, càng nóng càng ngon. Rau sống dễ làm cho bát bún chóng nguội nên cũng dễ mất đi mùi vị bốc lên từ bát bún nghi ngút khói. Ăn bún thang một lần rồi sẽ nhớ mãi. Nhớ cái vị cay nồng đậm của ớt, tỏi, hòa lẫn với vị chua của giấm, vị ngọt của xương trong nước dùng. Nhớ cái vẻ bề ngoài bắt mắt của tô bún bởi nền trắng của bún, sắc vàng của trứng, nhân gà và giò, được tôn lên bởi màu rau xanh biếc. Nhớ mùi thơm ngào ngạt của bát nước dùng bốc khói nghi ngút hấp dẫn người ăn.

Nổi tiếng nhất về món ăn này có 4 quán: 59 Hàng Lược, 28 Liễu Giai, 144 D2 Giảng Võ và 48 Cầu Gỗ. Mỗi quán có một đặc trưng riêng, tuỳ theo khẩu vị từng người mà chọn quán cho vừa miệng.

Đặc sản ô mai hàng đường, Hanoi Vietnam


Như một nét đặc trưng, khi ra xứ Hà thành ai ai cũng muốn mang về một ít ô mai phố Hàng Đường để làm quà cho người thân như mang một chút nắng xuân, một tí làn gió mát lạnh về nhà để nhớ về Hanoi Vietnam thân thương.

Đến Hanoi Vietnam, nhất là vào dịp tiết trời sang xuân, người ta thường tranh thủ tìm kiếm một nhành đào Nhật Tân để kịp về trang trí nhà trong ngày tết. Trong sự bận rộn ấy, người ta cũng tìm đến thú vui dạo chợ tết, nhất là các dãy phố như Hàng Đường, Hàng Buồm, Ngõ Gạch, phố Huế... để chọn các loại ô mai đón khách đến chơi nhà. Nổi tiếng vào bật nhất về đặc sản ô mai Hà thành có thể kể đến cơ sở Hồng Lam (số 11 Hàng Đường) hay Gia Lợi (số 8 Hàng Đường). Đây là những địa chỉ có đầy đủ các loại ô mai như mơ gừng, mơ cay, mơ cam thảo, mơ chua cay mặn ngọt, mơ mặn ngọt...  


Ô mai là một loại mứt, còn được gọi với cái tên quen thuộc là xí muội. Nguyên liệu chính để chế biến ô mai là các loại trái cây đặc trưng của vùng như mơ, mận, me, cóc, đào, sấu, trám, quất, khế, xoài, mít... Nhưng, để có màu sắc và hương vị đặc trưng mang phong cách riêng, mỗi cơ sở chế biến đều có những bí quyết "độc chiêu" mang tính gia truyền. Để có sản phẩm ô mai ngon và bắt mắt, người làm cũng phải thực hiện khá nhiều công đoạn cần đến sự cẩn thận và tinh tế. Trước hết, người ta phải chọn loại quả ngon, tươi tốt không bị sâu, giập... sau đó các loại trái sẽ được rửa sạch, ướp muối, phơi khô và hấp sấy...

Công đoạn kế tiếp là quá trình sao tẩm và chế biến thành phẩm sau cùng. Cũng từ các loại quả ấy, nhưng mỗi loại có thể chế biến nhiều món có hương vị hấp dẫn khác nhau, có loại chua, có loại ngọt, có vị vừa cay - chua - mặn - ngọt hòa lẫn vào nhau để khi thưởng thức, người ăn sẽ mãi không quên. Đôi khi chính những điều giản dị ấy đã trở thành những kỷ niệm đẹp, để rồi người ta vẫn thường ví tuổi ngây thơ là độ tuổi ô mai, là vậy.  

Không chỉ xuất hiện trong dịp Tết, du khách có thể tìm thấy món đặc sản này ở những con phố chuyên bán trong dịp tham quan vùng đất Kinh Bắc. Bên cạnh những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Hồ Gươm, Văn Miếu quốc tự giám, đền Quán Thánh... khi đến với Hanoi Vietnam du khách sẽ có dịp tìm hiểu về cuộc sống thường nhật, những thói quen, thú vui tao nhã của người dân xứ Hà thành. Để khi quay về nhà, trong hành lý, du khách không quên mang theo một tí chua - cay - mặn - ngọt của vị ô mai để thêm nhớ thương về miền đất thủ đô.

Bánh xèo miền trung, Hoi An Vietnam

Hoi An Vietnam là vùng có rất nhiều loại bánh, mỗi bánh phù hợp với từng mùa. Bánh Xèo vào mùa mưa được gọi là ” mùa thịnh”. Khác với các loại bánh xèo ở Miền Nam, bánh xèo Miền Trung nói chung và bánh xèo Hoi An Vietnam nói riêng là loại bánh nhỏ, một người có thể ăn được nhiều cái. Ăn nóng, ngon, dòn, bánh phù hợp với các loại rau, giá, ăn với mắm nêm vào mùa mưa là thích hợp nhất.


Nguyên liệu chính để làm bánh xèo ngoài gạo, đòi hỏi phải có tôm, thịt chỉ là phần phụ, hơn nữa làm bánh xèo phải ngồi bên bếp lửa liên tục rất nóng nực, vì vậy mùa mưa là mùa thích hợp nhất cho việc làm loại bánh nầy. Gạo tốt cho vào ngâm rồi xay thành nước bột gạo. Nước bột gạo cũng được pha chế sao có độ lỏng vừa phải để tạo nên cái giòn, cái dẻo của bánh. Nếu đặc quá, bánh sẽ khô, sống. Nếu lỏng quá bánh sẽ mềm, nát, sít với chảo.


Khi chuẩn bị bột và các nguyên liệu phụ như giá, thịt, dầu phụng xong, người ta bắt tay vào đổ bánh xèo. Những chiếc chảo con thân trệt được bày lên bếp như những chiếc cồng chiên trông lạ mắt. Khi chảo nóng, người ta dùng một nhúm thân hành nhúng dầu phụng thấm đều quanh chảo và đặt vào lòng chảo một vài con tôm và thịt ba chỉ xắt nhỏ. Thịt và tôm đã được ướp mắm, muối, gia vị và chấy sơ qua cho vừa chín. Dầu chín toả mùi thơm thì dùng vá múc nước bột gạo đổ vào chảo. Bột gặp dầu nóng phát ra tiếng kêu “xèo, xèo” nghe rất vui tai. Có lẽ vì những âm thanh này mà người ta đặt tên bánh là bánh xèo chăng?

Sau khi đã cho bột vào chảo, người chủ cho lên trên một ít giá đậu xanh rồi đậy vung lại cho bánh chín. Lúc bánh chín giòn được gắp ra sắp lên đĩa để mời khách. Nhìn những đĩa bánh vàng giòn, thơm ngát, thực khách đã muốn thưởng thức ngay.

Nước chấm của bánh xèo cũng được chế biến khá kỷ lưỡng. Người ta dùng nước tương trộn với gan heo, mè, đậu phụng xay nhuyễn, sau đó dùng dầu tô chín và pha thêm ít bột gạo, gia vị để làm thành một loại nước chấm lạ miệng.

Bánh phải ăn nóng mới ngon, đúng điệu, tức làm đến đâu ăn đến đấy và khi ăn không dùng đũa, muỗng mà chỉ dùng tay. Cách thưởng thức bánh xèo ngoài việc dùng khứu giác, vị giác ra, bắt buộc người ăn phải dùng đến xúc giác, thính giác mới thấy hết phần hấp dẫn.