Hoi An Vietnam là vùng có rất nhiều loại bánh, mỗi bánh phù hợp với từng mùa. Bánh Xèo vào mùa mưa được gọi là ” mùa thịnh”. Khác với các loại bánh
xèo ở Miền Nam, bánh xèo Miền Trung nói chung và bánh xèo Hoi An Vietnam nói
riêng là loại bánh nhỏ, một người có thể ăn được nhiều cái. Ăn nóng,
ngon, dòn, bánh phù hợp với các loại rau, giá, ăn với mắm nêm vào mùa
mưa là thích hợp nhất.
Nguyên liệu chính để làm bánh xèo
ngoài gạo, đòi hỏi phải có tôm, thịt chỉ là phần phụ, hơn nữa làm bánh
xèo phải ngồi bên bếp lửa liên tục rất nóng nực, vì vậy mùa mưa là mùa
thích hợp nhất cho việc làm loại bánh nầy. Gạo tốt cho vào ngâm rồi xay
thành nước bột gạo. Nước bột gạo cũng được pha chế sao có độ lỏng vừa
phải để tạo nên cái giòn, cái dẻo của bánh. Nếu đặc quá, bánh sẽ khô,
sống. Nếu lỏng quá bánh sẽ mềm, nát, sít với chảo.
Khi chuẩn bị bột và các nguyên liệu phụ như giá, thịt, dầu phụng
xong, người ta bắt tay vào đổ bánh xèo. Những chiếc chảo con thân trệt
được bày lên bếp như những chiếc cồng chiên trông lạ mắt. Khi chảo nóng,
người ta dùng một nhúm thân hành nhúng dầu phụng thấm đều quanh chảo và
đặt vào lòng chảo một vài con tôm và thịt ba chỉ xắt nhỏ. Thịt và tôm
đã được ướp mắm, muối, gia vị và chấy sơ qua cho vừa chín. Dầu chín toả
mùi thơm thì dùng vá múc nước bột gạo đổ vào chảo. Bột gặp dầu nóng phát
ra tiếng kêu “xèo, xèo” nghe rất vui tai. Có lẽ vì những âm thanh này
mà người ta đặt tên bánh là bánh xèo chăng?
Sau khi đã cho bột vào chảo, người chủ cho lên trên một ít giá đậu
xanh rồi đậy vung lại cho bánh chín. Lúc bánh chín giòn được gắp ra sắp
lên đĩa để mời khách. Nhìn những đĩa bánh vàng giòn, thơm ngát, thực
khách đã muốn thưởng thức ngay.
Nước chấm của bánh xèo cũng được chế biến khá kỷ lưỡng. Người ta dùng
nước tương trộn với gan heo, mè, đậu phụng xay nhuyễn, sau đó dùng dầu
tô chín và pha thêm ít bột gạo, gia vị để làm thành một loại nước chấm
lạ miệng.
Bánh phải ăn nóng mới ngon, đúng điệu, tức làm đến đâu ăn đến đấy và
khi ăn không dùng đũa, muỗng mà chỉ dùng tay. Cách thưởng thức bánh xèo
ngoài việc dùng khứu giác, vị giác ra, bắt buộc người ăn phải dùng đến
xúc giác, thính giác mới thấy hết phần hấp dẫn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét