Một bát mì vằn thắn đầy đủ ngoài hai nguyên liệu chính là sợi mì trứng và vằn thắn (hay còn gọi là sủi cảo) thì không thể thiếu được miếng thịt xá xíu đậm đà, miếng trứng luộc thanh nhã, vài miếng nấm hương thơm lừng, rồi các loại rau theo mùa, vài nhánh hẹ xanh xanh. Đầy đủ hơn là tôm tươi bóc vỏ, tuy nhiên số này không nhiều.
Sủi cảo dùng cho món ăn được làm từ bột mì cán mỏng, trong có nhân làm từ tôm tươi giã nhỏ trộn cùng nấm hương và thịt xay nhuyễn. Đây cũng là cách thức làm nhân cho hoành thánh chiên.
Khi thưởng thức, hai dòng biến tấu này sẽ mang lại cho thực khách hai trải nghiệm hoàn toàn khác biệt. Nếu như sủi cảo hấp mềm mịn thì hoành thánh chiên lại giòn rụm hấp dẫn. Thực khách tuỳ vào khẩu vị mà gọi cho mình bát mì phù hợp.
Nước dùng cho món này được nấu từ xương gà, xương lợn, cá tầm khô và vỏ tôm, sao cho khi đạt thành phẩm, nước dùng trong vắt, không gợn đục, thơm nhẹ vị thơm của nấm hương, tôm nõn, xương ninh.
Để sợi mì vẫn giữ được độ dai và dẻo thì món mì phải được dùng nóng. Bát mì là sự tổng hợp hài hoà của màu sắc và hương vị, rực rỡ như một bức tranh. Mì vằn thắn được đánh giá là ngon khi sợi mì dai dai, mềm mềm, nước dùng phải dậy lên mùi thơm của thịt, nấm hương, rau xanh, gan lợn.
Chính vì cầu kỳ như vậy nên tại Hà Nội, số lượng hàng quán bán mì vằn thắn rất nhiều nhưng những hàng ăn ngon lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét