Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Ẩm thực tại thành phố du lịch Phan Thiết


Thành phố du lịch Phan Thiết ngoài “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”, còn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi nét văn hoá ẩm thực biển phong phú. Không chỉ là hương vị đặc trưng của hải sản mà các món đặc sản của xứ biển này còn do cách chế biến độc đáo.

Mực là loại nguyên liệu vừa quen thuộc, vừa bổ dưỡng và rất dễ chế biển món ăn. Thế nhưng, với món mực một nắng của Phan Thiết, du khách mới thưởng thức được vị ngọt thấm lưỡi khi nhấm nháp những con mực biển chỉ được phơi nắng cho vừa héo rồi đem nướng trên than hồng vừa chín tái.

Cho đến nay, nhiều người sành ăn và các đầu bếp vẫn chưa phân tích được vì sao con mực lá ở vùng biển này lại ngon ngọt, đậm đà hương biển hơn con mực của các vùng biển khác suốt dọc chiều dài bờ biển hàng ngàn cây số với nguồn hải sản đa dạng như Việt Nam. Nhất là, thay vì chấm với tương ớt như mực khô, mực một nắng chấm nước mắm Phan Thiết cùng ít ớt xắt và vài giọt chanh, du khách mới thực sự cảm nhận đầy đủ hương và vị món ngon xứ biển.

Cá bò hòm
Ngoài con mực lá dày thịt và thơm ngọt, thì vùng đất du lich Phan Thiet còn có món cá bò hòm – loại cá được ngư dân địa phương đặt cho biệt danh “thiết giáp biển” do hình dạng… vuông vức, rằn ri dữ dằn nhưng thịt cá bò hòm lại rất hấp dẫn và bổ dưỡng.

Do thịt có vị ngọt, béo, màu trắng nên khi ăn kèm cùng những vị cay nồng của các loài rau thơm, cuốn ·bánh tráng chấm với mắm nêm Phan Thiết tạo nên món ăn “Cá bò hòm hấp cuốn bánh tráng” trứ danh!

Cũng món cá hấp kết hợp với hương vị của nhiều loại rau thơm, cách chế biến nước chấm độc đáo từ các loại nước mắm khác nhau, món cá mú hấp Phan Thiết được xem là món ăn có giá trị dinh dưỡng cao dù giá thuộc loại bình dân. Cá mú hấp là món tổng hợp hài hoà giữa hương và vị, từ cách chọn lựa… khoa học các thứ nguyên liệu ăn kèm.

Có thể nói ẩm thực biển ở Phan Thiết nổi tiếng nhờ bí quyết pha chế nước mắm ăn kèm. Mỗi món sẽ có một loại nước chấm pha chế khác nhau; trong đó có thứ nước chấm rất lạ dành cho món cá lồi xối mỡ. Chính nhờ thứ mắm nêm sền sệt, ngoài những gia vị quen thuộc như ớt, chanh… thêm một xíu vị chua ngọt của trái thơm đã tạo nên món ăn rất hấp dẫn chế biến từ loài cá lồi (hay cá ghim) rất bình thưòng!

Nói đến ẩm thực Phan Thiết, ngoài hải sản, du khách không thể không nhắc đến các món ăn chế biến từ con dông (kỳ nhông). Loài bò sát này sống trên những đồi cát quanh năm nắng nóng, nhiều gió, khô cằn nhưng lại cho một thứ thịt vừa thơm ngon, vừa bổ dưỡng. Thịt dông rất dễ chế biến, từ các món đơn giản như nướng, nấu cháo cho đến cầu kỳ như làm gỏi, xào lăn, bằm xào sả ớt. Nhưng ngon nhất, hấp dẫn và cũng rất… ấn tượng lại là món “dông nướng”. Với vẻ ngoài rất dữ dằn nhưng thịt dông nướng chấm muối ớt đậm đà vị ngọt.

Thương hiệu nước mắm Phan Thiết


Nước mắm Phan Thiết là một thương hiệu nước mắm (nước cốt chiết xuất từ cá ngâm muối) ngon của tỉnh Bình Thuận, tỉnh cực nam của miền Trung Việt Nam. Nước mắm ở thành phố du lich Phan Thiet được xếp vào loại "lão làng" và đã có mặt ở hầu hết tại các thị trường trong nước. Nước mắm ở đây đã có từ thời Phan Thiết có tên là Tổng Đức Thắng (1809). Những nhà làm nước mắm khi đó đã làm được nhiều nước mắm và bán ở Đàng Ngoài.

Có nhiều loại cá cơm như cá cơm sọc tiêu, cơm than, cơm đỏ, sọc phấn, phấn chì, cơm lép... nhưng ngon nhất là cá cơm than và sọc tiêu. Cá cơm, xuất hiện từ tháng tư cho đến tháng tám âm lịch, là loại cá nhỏ, con to chỉ bằng ngón tay út hay bằng chiếc đũa, nhưng phân rã thành mắm nhanh, nên thời gian thành nước mắm cũng ngắn. Tuy nhiên, nhiều nhà làm nước mắm lâu năm cho biết chất lượng còn phụ thuộc vào thời gian đánh bắt cá, nhất là cá tháng tám, con nào cũng đều béo mập thì nước mắm mới ngon và đạt độ đạm cao nhất.

Làm nước mắm ngon cũng là một nghệ thuật. Theo thời gian, chất nước cá ứ ra được đưa ra ngoài theo một lỗ được đục ở đáy thùng xuống thùng hứng. Nước mắm không lấy một lần mà phải lọc đi lọc lại nhiều lần. Từ thùng hứng chuyển lại thùng mắm cái để nước mắm thấm qua lớp cá rồi đi ra thùng hứng như cũ. Việc làm xoay vần như thế và mỗi ngày làm một lần. Chừng năm hôm sau là nước "chín", tức đã thành nước mắm.


Nước mắm có thể phân loại thành: "nước bổi", "nước đục" và "nước nhỉ". Nước bổi là nước muối, rửa cá lúc cá còn tươi. Nước đục là nước bổi đã đi qua lớp cá đã muối, màu nước đục nhưng vị đã ngon. Nước ép, hay nước nhỉ, là nước đục đưa vào thùng mắm cái, đóng lù lại vài ba hôm rồi cho mắm rỉ ra từng giọt, phải mất mươi hôm mới lấy hết nước. Đây là tinh hoa của nghề làm nước mắm. Nước trong veo màu hổ phách toả ra mùi thơm phức, có độ đạm 30 độ. Người ta đánh giá chất lượng nước mắm bằng cách ngửi, nếm hay ăn thử.


Nước mắm Phan Thiết chủ yếu được làm từ cá cơm và muối hạt.



Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Món ăn thông dụng tại Campuchia

Các món ăn của Campuchia tiếp thu và chịu ảnh hưởng nhiều phong cách ẩm thực của các nước, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ với vị ngọt và béo (Các món thường có nhiều gia vị (ảnh hưởng từ Ấn Độ) và béo (ảnh hưởng các món ăn Trung Quốc)).

Một số món ăn thông dụng tại Campuchia:
Món ăn từ Côn trùng
Người Campuchia rất thích dùng côn trùng đẻ chế biến nhiều món ăn: từ dế cơm, trứng kiến đến con cà cuống, nhền nhện trong các món chiên, xào, dồn đậu phộng đến hấp cơm hay ngâm giấm đều rất ngon.
Hầu như du khách Việt Nam nào sang du lich Campuchia cũng đều cố gắng tìm để thử những món ăn từ côn trùng một lần cho biết.


Đừng bất ngờ nếu bạn đang ăn món bò xào lại thấy kiến và ong lẫn trong miếng thịt bò nhá.

>> Du lịch Campuchia thưởng thức nhện rang

Mắm bồ hóc



Mắm bồ hóc, hay pohok, được làm từ những con cá con tốt nhất, mổ ruột ướp muối rồi để trong tủ  hoặc hủ đậy kín, sau vài tháng thì đem ra ăn. Đây là món ăn phổ biến của người Khmer (tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng có món này).

Hủ tiếu Nam Vang
Nam Vang chính là tên gọi của Phnompenh (ngày nay một số người Việt sống tại Phnompenh vẫn gọi Phnompenh là Nam Vang).


Hủ tiếu Nam Vang có nguồn gốc từ Campuchia nhưng do người Hoa chế biến, nguyên liệu chính là hủ tiếu khô, nước dùng chính là thịt bằm nhỏ, lòng heo nấu cùng. Sau đó trụng sơ mì với nuớc dùng sau đó cho các nguyên liệu phụ vào như giá, hẹ, thịt bằm cùng lòng heo vào.

Hột vịt lộn (trứng vịt lộn)
Một món ăn quá phổ biến tại nhiều nước Đông Nam Á như Lào, Thái Lan, Philipine, Campuchia và tất nhiên là cả Việt Nam.
Người Campuchia gọi món ăn này là Pong tea khon (trong khi đó người Thái, người Lào gọi là Khai Luk; người Philipine gọi là balut).
Trứng vịt luộc được bán từng chục hay từng quả kèm muối tiêu là món ăn mà du khách tìm thấy rất nhiều khi đến với đất nước du lịch Campuchia.

Uống
Bia
Bia nổi tiếng nhất tại Campuchia là Angkor beer. Du khách có thể uống lon, chai hoặc bình (như bình uống trà đá). Giá cả của Angkor beer cơ bản là khá bình dân tuy nhiên giá bán tại các beer garden thì có phần cao hơn.

Nước thốt nốt
Nước thốt nốt được lấy trực tiếp từ cây thốt nốt được người dân lấy bằng thủ thuật của riêng mình. Thức uống này thơm và ngon nhưng không để được lâu và được uống trong ngày.

Rượu thốt nốt
Rượu thốt nốt (tức thốt chu - thốt nốt chua) một lọai rượu nhẹ được người dân ưu chuộng trở thành lọai "rượu đặc sản". Hiện tại một số vùng tại Đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam) cũng đã có loại rượu thốt nốt.

Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

Ăn bánh khọt tại thành phố du lịch Vũng Tàu

Bánh khọt là món ăn quen thuộc của người dân Nam bộ. Bánh khọt có mặt suốt dải đất Tuy Hòa, Nha Trang vào đến tận miền Tây… Tuy nhiên, chỉ tại thành phố biển du lich Vung Tau thì bánh khọt mới thực sự trở nên nổi tiếng.


Bánh khọt là một trong những món ăn đặc sản của xứ biển Vũng tàu mang một hương vị riêng đậm chất dân dã được mọi người ưa thích từ dân địa phương cho đến khách thập phương và cả du khách quốc tế. Bởi ở đó, thực khách được thưởng thức thứ bánh khọt dân dã giữa vị mằn mặn, oi oi của biển và cả cái ánh nắng dìu dịu, cái gió mơn man của chiều về.

Nguyên liệu để làm nên chiếc bánh khọt khá giản dị. Chỉ gồm bột gạo, trứng gà, nước cốt đừa, bột nghệ, hành lá, đậu xanh, tôm. Cách làm cũng không quá cầu kỳ: Hòa bột gạo chung với nước cốt dừa cùng với 2 chén nước, trứng gà, hành lá cắt nhỏ. Sau đó cho muối, bột ngọt, tiêu, bột nghệ vào. Tôm sú lột bỏ hết vỏ, đậu xanh luộc mềm. Bắc khuôn bánh khọt lên bếp, cho mỡ vào. Mỡ để rán bánh là loại mỡ lợn phi hành và lá hẹ cho thơm. Cho đậu xanh và cuối cùng là cho tôm lên trên mặt bánh. Đậy nắp khuôn lại và đợi đến khi bánh chín cho một ít dầu vào để dễ lấy bánh khỏi khuôn.



Cơ bản chung một cách làm, một “bộ” nguyên liệu, thế nhưng, chất lượng bánh khọt mỗi nơi một khác. Muốn làm nên chiếc bánh ngon, người làm bánh phải có kinh nghiệm pha bột và nêm nước mắm. Bột được xay từ gạo ngâm hơi mềm và để qua đêm. Trong lúc xay bột để thêm chút cơm nguội. Ngoài nước cốt dừa pha lẫn trong bột, khi bánh gần chín tới, người ta còn cho chút nước cốt dừa lên trên để tạo vị béo, thơm.

Pha bột cũng là một nghệ thuật. Nếu cho nước nhiều, bánh dễ vỡ vụn trong quá trình chiên và bánh khi lấy ra khỏi vỉ cũng không giòn. Còn cho bột nhiều hơn lượng nước quy định sẽ làm bánh không ngon vì không có độ dai. Bánh khọt ngon phải là những chiếc bánh vừa giòn vừa dai. Mỗi chiếc bánh khọt vừa tròn bằng miệng ly uống trà, trong lòng mỗi chiếc bánh trắng tinh lại được trang trí bằng màu xanh của lá hành được xắt nhỏ, màu đỏ gạch của tôm được lột sạch vỏ. Ngoài tác dụng trang trí, hành lá và tôm còn giúp tăng thêm hương vị và dinh dưỡng cho mỗi chiếc bánh. Nước chấm món bánh khọt là một trong hai yếu tố quyết định sự thành bại của người làm. Mỗi thực khách có một khẩu vị riêng vì thế đòi hỏi người chế biến phải biết cân bằng và pha nước chấm vừa khẩu vị ăn là điều rất khó.

Nước chấm dùng trong món bánh khọt gồm nước mắm, chút nước sôi để nguội để pha loãng nước mắm, sau đó cần thêm một chút tỏi, ớt, đường, bột ngọt.

Để tạo cảm giác ngon miệng cho thực khách và cũng để hạn chế cảm giác ngán vì dầu mỡ chiên bánh, món ăn kèm với bánh khọt chính là gỏi đu đủ. Đu đủ rửa sạch và xắt sợi nhỏ. Sau đó ngâm trong nước sạch có pha chút giấm chua. Gỏi đu đủ ngon là những sợi đu đủ hơi chua chua, ngọt ngọt và quan trọng là phải giòn. Ngoài gỏi đu đủ, thực khách còn có thể ăn kèm bánh khọt với rau xà lách và các loại rau thơm như húng quế, ngò gai, tía tô... để tăng thêm hương vị.



Các quán bán bánh khọt xuất hiện ở khắp nơi, dọc các con đường vào thành phố du lịch Vũng Tàu. Nhưng với khách sành ăn, quán bánh khọt Gốc Vú Sữa tại 14 Nguyễn Trường Tộ là nơi lý tưởng để thưởng thức. Ngoài ra còn quán Bánh Khọt 41 tại 24A Trần Đồng không lớn lắm nhưng rất đông khách.

Chiều về chạng vạng, giữa cái không gian mặn mòi của biển cả, hòa mình trong rì rầm gió, không gì tuyệt bằng thưởng thức món bánh khọt Vũng Tàu!